Thư ngỏ!
Kính gửi các bạn sinh viên trong và ngoài nhân học!
Tháng tư về, lòng sinh viên chúng em lại rộn lên một cảm xúc gì đó xôn xao, chờ đợi. Tất cả chúng ta đều háo hức mong đợi tháng tư về như để hưởng trọn không khí rộn ràng, tất bật của ngày hội truyền thống của khoa. Một ngày hội thực chất diễn ra không hết trọn một ngày nhưng không khí của nó cứ xao động hết cả một mùa – mùa hội truyền thống khoa Nhân học. Chúng em gọi như vậy, bởi hằng năm cứ đến dịp này là chúng em lại tất bật cho những công việc, nhiệm vụ riêng mình để có một ngày vui trọn vẹn, ý nghĩa.
Tháng tư này có vẻ như “tĩnh mịch” hơn mọi năm, không có cái hối hả của từng bạn, từng bạn sinh viên lo những hoạt động này, hoạt động kia. Không khí lớp học không xôn xao mỗi giờ tan học để phân công nhiệm vụ như những năm trước nữa. Những dãy phòng trọ của sinh viên Nhân học cũng yên ắng hơn, không ồn ào, không rộn lên những thanh âm ngày hội. Cũng không thấy trong những giờ ra chơi các bạn kéo nhau ra tập tành múa hát dân ca – dân vũ nữa. Chợt buồn, chợt thấy thiếu thiếu cái gì đó. Sinh viên chúng em lúc nào cũng mong đợi những hoạt động đó sẽ diễn ra để chúng em được tất bật, hối hả mà vui vẻ, đoàn kết.
Để một ngày hội truyền thống của khoa mình diễn ra đúng nghĩa thật sư là không dễ dàng gì. Đối với sinh viên chúng em, đôi khi hơi mệt mỏi, bởi nó cộng thêm phần bài vở trên lớp và những giờ học không thể bỏ được. Nhưng chúng em vẫn muốn cùng nhau làm nên một ngày hội truyền thống của khoa mình thật sự ý nghĩa. Đó sẽ là những kỉ niệm không thể nào quên được của thời sinh viên chúng ta, và qua đó chúng ta cũng gắn bóvới nhau hơn, đoàn kết hơn, học hỏi được nhiều điều thú vị hơn. Thật sự, nếu không có ngày hội của khoa, chắc gì tất cả chúng ta sẽ biết được những làn điệu dân ca các miền, các dân tộc của Việt Nam,chúng em sẽ không thể nào cảm nhận được cái thanh âm rộn ràng trong điệu múa Gà rừng hay sự hòa hợp giữa tiếng gõ của các thanh tre nhịp nhàng với tiếng nhạc trong trò chơi nhảy sạp. Trò chơi đập niêu thực chất ra sao, chắc gì tất cả chúng ta đều biết? Món há cảo chiên của người Hoa, món cơm lam của tộc người nào đó ở vùng Trường Sơn – Tây Nguyên, hay chè chuối nướng của người dân Nam bộ…có hương vị ra sao,có thể chúng sẽ không mang trọn hương vị của các món ăn đó giống như từ nơi xuất phát của nó nhưng nếu không được nếm thử ttrong dịp ngày hội của chúng ta, hẳn chúng em sẽ không biết!.... Không có ngày hội chắc chắc cũng sẽ không thể nào có được một ngôi chùa Khmer mọc lên giữa sân trường, có cả các Sư đang tu được mời về làm cho ngôi chùa thêm phần linh thiêng, và các cô gái Khmer hết sức duyên dáng trong bộ trang phục truyền thống đã thu hút biết bao nhiêu cặp mắt tò mò, trầm trồ ngưỡng mộ. Chúng em không thể nào quên được cái cảm xúc khi giữ trong tay ngọn nến lung linh cháy sáng, hòa chung câu hát (không hẳn là hát) để thả đèn xuống dòng sông như một đêm hội Hoa đăng. Lúc ấy, trong lòng chúng em lại ao ước một ngày hội năm sau cũng sẽ thiêng liêng như vậy. Điệu múa Gáo của người Khmer hay điệu múa truyền thống của người Chăm ra sao, đờn ca tài tử thật sự là như thế nào, hay hát Kinh kịch của người Hoa được nhìn thấy và nghe được có khác gì trong những bộ phim, chúng em biết được cũng chính nhờ từ ngày hội truyền thống của khoa mình. Rồi những cảm xúc buồn, vui, được, mất… khi ngày hội đã tan, người đã vãn cũng khó để mà quên.
Chỉ có bốn năm sinh viên, chúng em muốn ngày hội Khoa năm nào cũng được tổ chức để chúng ta được học hỏi nhiều thứ từ đó. Không những vậy, ngày hội khoa còn là nơi lưu giữ những tình cảm tốt đẹp của thời sinh viên, là nơi vô tình kết nối lại tình thân ái giữa sinh viên các khóa với nhau. Đâu chỉ có những sinh viên hiện còn đang học mới tham gia ngày hội mà còn có cả những anh chị sinh viên đã ra trường từ lâu lắm rồi, hễ nghe tin ngày hội Nhân học tổ chức là trở về để tham dự và để tìm kiếm một cái gì đó đã bị bỏ quên từ khi còn là sinh viên…Chúng em nghĩ, không riêng gì chúng em mới chộn rộn những cảm xúc của tháng tư đặc biệt dành riêng cho khoa mình như vậy, mà cả các thầy cô cũng vậy. Chắc các thầy cô cũng sẽ nhớ không khí của ngày hội khoa và cũng sẽ mong muốn ngày hội sẽ được duy trì mãi về sau, vì thầy cô là những người đã làm nên khoa Nhân học, là những người tâm huyết với ngành hơn sinh viên chúng em rất nhiều, rất nhiều. Có thể chúng em mong đợi ngày hội để được vui chơi, học hỏi, để thể hiện khả năng và niềm tự hào hay để “tích lũy” kỉ niệm… Nhưng chúng mình nghĩ, với tất cả các anh chị và các bạn sinh viên hay là cựu sinh viên, ngày hội có ý nghĩa hơn chúng em rất nhiều, có thể không thể gom lại để nói hết qua giấy mực, qua từ ngữ…
Năm nay, chúng em cũng mong đợi tháng tư về để có ngày hội truyền thống như những năm trước, nó sẽ được diễn ra một cách có ý nghĩa và mang lại niềm vui trọn vẹn cho cả thầy và trò. Hơn nữa, năm nay, theo chúng em biết thì là năm kỉ niệm mười năm ngày thành lập ngành Nhân học. Vậy tại sao chúng ta không tổ chức một ngày hội để tự hào vì chặng đường đã đi qua, và tiếp tục làm cháy lên những ước mơ trong tương lai vì còn có nhiều thế hệ sau. Chúng em thực sự rất mong được thầy cô chấp nhận cho chúng em có thể tổ chức một ngày hội Nhân học như chúng em mong muốn. Chúng em biết rằng nó sẽ rất khó khăn vì nhiều mặt, mà trước hết là nếu không có kinh phí, ngày hội không thể nào diễn ra. Sinh viên chúng em không đủ sức để gánh vác một chương trình có thể nói là quá lớn mà không được ủng hộ từ phía các bạn. Dù có diễn ra thì chắc rằng ngày hội cũng sẽ không thành công ở mặt nào đó, và niềm vui không thể nào trọn vẹn được.
Chúng em rất mong có được sự giúp đỡ từ phía các bạn sinh viên trong và ngoài khoa.
Cảm ơn các bạn đã đọc bức thư này!